QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.
Ngày 13 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Sắc lệnh số 33–c, thiết lập các Tòa án quân sự đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự ra đời của Tòa án nước ta.
Ngày 24 tháng 01 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 13-SL về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước nói chung và Tòa án nhân dân nói riêng. Đây là Sắc lệnh đầu tiên quy định một cách đầy đủ về tổ chức giải quyết các tranh chấp, xử phạt các việc vi cảnh ở cơ sở; tổ chức các Tòa án và quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch Thẩm phán.
Ngày 09 tháng 11 năm 1946, Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta. Tại Chương VI bản Hiến pháp này quy định về “Cơ quan tư pháp”, theo đó Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có: Tòa án tối cao; các Tòa án phúc thẩm; các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Ngày 22 tháng 5 năm 1950, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 85-SL về cải cách bộ máy Tư pháp. Theo Sắc lệnh này, về tổ chức Tòa án có Tòa án huyện, quận; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tòa phúc thẩm và Tòa án tối cao.
Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước được thống nhất. Ngày 18 tháng 12 năm 1980, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Hiến pháp mới. Hệ thống Tòa án tiếp tục được khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ký Nghị định số 07-BTP/NĐ ngày 16 tháng 4 năm 1976, thành lập Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có Tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải nay là Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau và Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu.
Tuy điều kiện ban đầu còn hết sức khó khăn trong bối cảnh chung của cả nước sau giải phóng, song Toà án nhân dân tỉnh Minh Hải đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Tòa án nhân dân hai cấp đã đưa ra xét xử kịp thời các loại án, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân; tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, điển hình như vụ Nguyễn Văn Lợi - tội làm gián điệp, chỉ điểm, vụ Nguyễn Ngọc Chấn, Nguyễn Thế Đủ - tội hoạt động phản cách mạng.
Bằng con người thật, sự việc thật qua phiên tòa xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải đã vạch trần thủ đoạn và ý thức phạm tội của các bị cáo, tỏ rõ thái độ kiên quyết trấn áp các hoạt động phản cách mạng. Bên cạnh việc xét xử các vụ án hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Minh Hải còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân, các vụ việc về hôn nhân gia đình.
Toà án nhân dân tỉnh Minh Hải đã góp phần quan trọng vào việc ổn định an ninh trật tự xã hội tỉnh Minh Hải sau giải phóng, làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, để Đảng và Nhà nước lãnh đạo nhân dân tiến hành xây dựng xã hội mới trên quê hương Minh Hải.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, ngày 01 tháng 01 năm 1997, tỉnh Cà Mau được tái lập từ việc chia tách tỉnh Minh Hải. Từ đó, Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau được thành lập với 07 Toà án nhân dân cấp huyện, gồm: Huyện Cái Nước, huyện Trần Văn Thời, huyện Ngọc Hiển, huyện U Minh, huyện Đầm Dơi, huyện Thới Bình và thị xã Cà Mau và Tòa án tỉnh có: Tòa Dân sự, Tòa Hình sự, Tòa Kinh tế, Văn phòng và Phòng Giám đốc - Kiểm tra.
Thời gian đầu mới thành lập, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là lực lượng Thẩm phán và cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc còn rất thiếu thốn. Song, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy Cà Mau, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp cộng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau đã và đang xây dựng đơn vị không ngừng lớn mạnh và phát triển về mọi mặt. Từ chỗ chỉ có 74 cán bộ với 07 Tòa án nhân dân cấp huyện, đến nay Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau có 204 cán bộ, 05 Toà chuyên trách, 03 Phòng và 09 Toà án nhân dân cấp huyện, có 79 Thẩm phán ( 01 cao cấp, 17 trung cấp, 61 sơ cấp), 109 Thư ký và Thẩm tra viên, 16 chức danh khác. Lượng án thụ lý và giải quyết hàng năm trên 9.000 vụ việc các loại.
Về trình độ nghiệp vụ, chính trị luôn được quan tâm đào tạo, về cơ bản đáp ứng đựợc việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, hiện có 22 thạc sĩ Luật, 179 cử nhân Luật (trong đó có 20 đang học cao học Luật), 07 cử nhân chính trị, 131 cao cấp và trung cấp chính trị.
Nhìn chung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, Thẩm phán, Thư ký của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau ngày càng trưởng thành, vững vàng về bản lĩnh chính trị, về chuyên môn nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Được sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao, sự hỗ trợ chân tình của các cơ quan, ban, ngành các cấp, đến nay cơ sở vật chất của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Nhiều trụ sở của Toà án cấp huyện được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới.
Ngày 24 tháng 11 năm 2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Thực hiện kế hoạch của Tòa án nhân dân tối cao và Tỉnh ủy Cà Mau, Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau luôn cố gắng, vượt mọi khó khăn để thực hiện công cuộc cải cách Tư pháp của Đảng và đã đạt được những kết quả tích cực.
Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau luôn chú trọng thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp trong việc tiếp nhận đơn khởi kiện và các thủ tục tư pháp tại Toà án; thực hiện công khai, đơn giản hoá thủ tục hành chính tư pháp. Trong công tác xét xử, Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau đẩy mạnh thực hiện tranh tụng, lấy kết quả tranh tụng tại phiên toà làm căn cứ phán quyết của Hội đồng xét xử nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết án. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về công tác Tòa án; các Kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về cải cách tư pháp, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, Tỉnh ủy Cà Mau; cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Cà Mau thường xuyên tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, quán triệt, học tập lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Tòa án “phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, “tận tụy phục vụ nhân dân” để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Cà Mau luôn tự suy ngẫm về mình để tự khắc phục những tồn tại hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TW4 (Khóa XI).
Với những kết quả đạt được trên các mặt công tác, Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau đã có nhiều tập thể nhận được Huân chương lao động hạng nhì, hạng ba, Cờ Thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua Toà án nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau; nhiều cá nhân được tặng Huân chương lao động hạng nhì, hạng ba, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân. Những thành tích ấy đã thể hiện được sức mạnh đoàn kết của toàn thể cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau, thể hiện ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định: “Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm” trong quá trình cải cách tư pháp. Với trọng trách đó đòi hỏi cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau cần phải phấn đấu và cố gắng nhiều hơn nữa để giữ vững những thành tích mà các đồng chí lãnh đạo Tòa án qua các thời kỳ đã dày công xây dựng; đồng thời khắc phục những hạn chế yếu kém hiện tại, tiếp tục có những sáng kiến, cải tiến lề lối làm việc, nhất là các thủ tục hành chính tư pháp, làm cho người dân dể tiếp cận công lý, người tham gia tố tụng có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, phấn đấu nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, không để án quá hạn luật định, hạn chế đến mức thấp nhất án hủy, sửa. Giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm công vụ, tinh thần phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Góp phần chung tay xây dựng Tòa án nhân dân Việt Nam nói chung, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau nói riêng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà Đảng và Nhà nước đã giao cho.
Cán bộ, công chức, người lao động Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau nguyện chung sức, chung lòng, cố gắng giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp; nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua yêu nước; củng cố nền pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.