Ngày 22/02/2023, TAND huyện Phú Tân mở phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án dân sự về việc tranh chấp “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Nội dung vụ án:
Vào ngày 01 tháng 12 năm 1994 vợ chồng ông Lê Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Thùy có ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Quảng Văn Tùng, phần đất có diện tích 5.460 m2 tọa lạc tại ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau với giá 14 chỉ vàng 24K. Năm 2000 ông Quảng Văn Tùng cùng vợ là Nguyễn Thị Năm tiếp tục chuyển nhượng cho vợ chồng ông Lê Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Thùy phần đất có diện tích 5.822 m2 cùng tọa lạc tại ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau với giá 26,25 chỉ vàng 24K. Đến ngày 20/5/2019 ông Lê Văn Lợi có gặp ông Quảng Văn Tùng yêu cầu ông Quảng Văn Tùng thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất sang cho vợ chồng ông Lê Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Thùy nhưng ông Quảng Văn Tùng chỉ hứa hẹn mà không thực hiện. Đến ngày 20/5/2019 vợ chồng ông Lê Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Thùy có gặp ông Quảng Văn Tùng yêu cầu ông thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nhưng ông Quảng Văn Tùng từ chối. Nay ông Lê Tuấn Lực và bà Nguyễn Thị Thùy yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông bà với ông Quảng Văn Tùng.

Quang cảnh phiên tòa
Trên cơ sở đánh giá tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Thùy. Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Thùy với ông Quảng Văn Tùng. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Quảng Văn Tùng.
Qua phiên tòa rút kinh nghiệm cho thấy Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa đã điều hành phiên tòa tuân theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, bảo đảm phiên tòa diễn ra nghiêm minh và dân chủ. Phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự tố tụng, đã khắc phục được những hạn chế của các phiên tòa rút kinh nghiệm trước, bảo đảm phiên tòa diễn ra dân chủ và công khai.
Ngay khi kết thúc phiên tòa, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm. Qua đó đã giúp các Thẩm phán, Thư ký học hỏi, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, khắc phục được những hạn chế, thiếu sót, từng bước nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các loại án.
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp các Thẩm phán, Thư ký Tòa án nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ chính trị đề ra./.
* Tên các đương sự đã thay đổi.
Đoàn Thị Tú