Ngày 28/9/2022, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm TAND hai cấp tỉnh Cà Mau đối với vụ án dân sự thụ lý số 190/2022/TLPT-DS ngày 11/8/2022 về việc: “Tranh chấp hợp đồng cố đất và thuê đất”.
Phiên tòa trực tuyến được kết nối giữa điểm cầu trung tâm tại Phòng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh với điểm cầu thành phần tại Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Điểm cầu trung tâm có sự tham gia của người tiến hành tố tụng là Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án; người tham gia tố tụng là bị đơn, nguời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điểm cầu thành phần có sự tham gia của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Điểm cầu trung tâm
Đây là phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến được mở tại Tòa án tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Điểm cầu thành phần
Phiên tòa trực tuyến diễn ra trang nghiêm, trật tự, đúng quy định pháp luật về tố tụng dân sự; tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân... theo các quy định của pháp luật. Các đương sự có mặt đúng giờ, chấp hành nghiêm nội quy phiên tòa; tuân thủ đúng các yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến và sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa; cán bộ kỹ thuật, cán bộ hỗ trợ điểm cầu thành phần và những người tiến hành tố tụng có sự phối hợp tốt trong công tác xét xử trực tuyến; hệ thống đường truyền ổn định; âm thanh chất lượng, hình ảnh rõ nét. Phiên tòa được ghi âm, ghi hình có âm thanh dưới dạng dữ liệu điện tử.
Sau khi kết thúc phiên tòa, TAND tỉnh tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm trong Tòa án hai cấp. Việc tổ chức rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện được tinh thần, ý thức trách nhiệm, nâng cao chất lượng trong công tác giải quyết án. Đây được xem là hình thức tự đào tạo hiệu quả, qua đó giúp các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký học hỏi, nâng cao được trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao.
Phiên tòa xét xử trực tuyến nhằm hỗ trợ hoặc thay thế xét xử trực tiếp tại Tòa án, giúp Tòa án nâng cao chất lượng xét xử; thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Tòa án; mở rộng cơ hội tổ chức xét xử ở mọi nơi, mọi lúc, góp phần thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp của Tòa án.
Tú Anh (Ảnh: Duy Linh, Ân Tình)