Ngày 02/8/2022, TAND huyện Phú Tân mở phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Nguyễn Hưng về tội “Cố ý gấy thương tích” và “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 và khoản 1 Điều 168 của Bộ luật Hình sự.
Nội dung vụ án: Vào khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 11 tháng 01 năm 2021, tại khu vực nền bê tông của cống Tân Phong, thuộc ấp Tân Phong, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau tổ chức nhậu, trong đó gồm có: Lê Duy Tân, Võ Phiên Tòa, Nguyễn Văn Trường, Huỳnh Nhật Khả, Lê Nguyễn Hưng, Trần Quốc Vương và Huỳnh Thị Thúy Ái. Nhậu đến khoảng 23 giờ cùng ngày thì Trần Quốc Vương mới lấy ra 50.000 đồng từ trong ví đưa cho Lê Duy Tân để đi mua thêm rượu. Khi Lê Duy Tân, Võ Phiên Tòa, Nguyễn Văn Trường và Huỳnh Thị Thúy Ái đứng dậy chuẩn bị ra xe để đi mua rượu thì Trần Quốc Vương thách đố và nói “Ai muốn đánh lộn thì ra đánh lộn”, lúc này Lê Nguyễn Hưng lao vào dùng chân đạp Trần Quốc Vương một cái và dùng tay đánh Trần Quốc Vương thì Lê Nguyễn Hưng bị trượt chân té ngã xuống sông, thấy vậy Nguyễn Văn Trường xông vào vùng tay đánh vào mặt Trần Quốc Vương rồi đi ra chỗ Lê Duy Tân đậu xe; Huỳnh Nhật Khả xông vào dùng tay đánh vào mặt Trần Quốc Vương; Lúc này Nguyễn Văn Trường đi đến cầm nón bảo hiểm đánh vào mặt, mắt của Trần Quốc Vương; Lê Nguyễn Hưng dưới sông leo lên tiếp tục lao vào dùng tay đánh và dùng chấn đá vào mặt Trần Quốc Vương thì được Lê Duy Tân, Võ Phiên Tòa và Huỳnh Thị Thúy Ái can ra.
Sáu khi bị đánh, Trần Quốc Vương nằm ngất xỉu, không còn khả năng chống cự thì Nguyễn Văn Trường, Lê Nguyễn Hưng và Huỳnh Nhật Khả nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của Trần Quốc Vương. Nguyễn Văn Trường lấy 01 cái ví trong túi quần của Trần Quốc Vương rồi đi đến lấy 02 điện thoại của Trần Quốc Vương đang để trên nền bê tông; Huỳnh Nhật Khả thấy Nguyễn Văn Trường lấy điện thoại nên kêu Nguyễn Văn Trường đưa một cái điện thoại để sài. Nguyễn Văn Trường đưa cho Huỳnh Nhật Khả 01 điện thoại hiệu Oppo A71, còn Nguyễn Văn Trường giử lại 01 điện thoại hiệu LV Mobile, Lê Nguyễn Hưng tìm kím ví của Trần Quốc Vương nhưng không lấy được, sau đó tất cả ra về.
Trên đường về, Nguyễn Văn Trường lấy trong ví ra 100.000 đồng đưa cho Lê Nguyễn Hưng và nói “lấy tiền uống cà phê”, Lê Nguyễn Hưng hỏi “tiền mày lấy trong bóp của Trần Quốc Vương phải không”, Nguyễn Văn Trường gật đầu. Lê Nguyễn Hưng lấy tiền cất vào túi, sau đó tất cả ra về. Khi về đến nhà Huỳnh Nhật Khả tháo bỏ 02 sim và 01 thẻ nhớ điện thoại vứt bỏ, còn Nguyễn Văn Trường trên đường dừng xe lại lấy ví ra kiểm tra có 590.000 đồng. Trong ví còn có 01 giấy chứng minh nhân dân, 01 giấy đăng ký xe mô tô, Nguyễn Văn Trường cất giữ tiền còn ví và giấy tờ vứt xuống sông.
Quang cảnh phiên tòa
Xuất phát từ mâu thuẫn trong lúc nói chuyện, Lê Nguyễn Hưng cho rằng Trần Quốc Vương có lời lẽ khiêu khích, thách đố nên không kiềm chế được bản thân đã đánh Trần Quốc Vương gây thương tích nhằm thỏa mãn sự tức giận của mình. Khi thấy Trần Quốc Vương nằm bất động, không còn khả năng chống cự, quản lý tài sản nên đã nảy sịnh ý định chiếm đoạt tài sản nhằm tiêu xài, thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Trên cơ sở đánh giá, phân tích tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo và tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Lê Nguyễn Hưng phạm tội “Cố ý gây thương tích” và “Cướp tài sản”, tuyên phạt bị cáo Lê Nguyễn Hưng 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù.
Qua phiên tòa rút kinh nghiệm cho thấy Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa đã điều hành phiên tòa tuân theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm phiên tòa diễn ra nghiêm minh và dân chủ. Phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự tố tụng, đã khắc phục được những hạn chế của các phiên tòa rút kinh nghiệm trước, bảo đảm phiên tòa diễn ra dân chủ, công khai và nghiêm minh. Bản án được tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Qua đó đã giúp các Thẩm phán, Thư ký học hỏi, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, khắc phục được những hạn chế, thiếu sót, từng bước nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các loại án.
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp các Thẩm phán, Thư ký Tòa án nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án.
Đoàn Thị Tú